Bệnh viêm gan virus ở vịt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, bệnh lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao tới 100%. Virus viêm gan vịt thuộc giống Picornavirus, họ Picornavirus, chứa RNA, và được chia thành 3 loại: loại I, loại II và loại III. Trong số đó, loại I là nguyên nhân gây bệnh phổ biến trong tự nhiên và vịt con được miễn dịch với vi rút loại I sẽ vẫn bị bệnh do ảnh hưởng của vi rút loại II hoặc loại III. Kích thước của virus nhỏ hơn 50 nm. Virus có thể tồn tại rất lâu trong điều kiện tự nhiên. Việc phòng và điều trị bệnh viêm gan virus ở vịt có ý nghĩa quan trọng trong chăn nuôi của người dân.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do Picornavirus thuộc họ Picornaviridae (Levine và Fabricant, 1949) gây ra.
Ðặc điểm bệnh viêm gan virus
Loài mắc bệnh
Vịt, ngan, ngỗng mắc ở mức độ nhẹ, thủy cầm hoang, chim hoang là động vật mang trùng.
Lứa tuổi
Chủ yếu 1 – 7 tuần tuổi, đặc biệt dưới 3 tuần tuổi. Ở các cơ sở chăn nuôi liên tục càng về sau lứa tuổi bị càng giảm. Ví dụ: Lứa đầu dịch xảy ra ở vịt 44 – 50 ngày, lứa 2 bệnh xảy ra lúc vịt 30 – 35 ngày tuổi…
Ðường truyền
Bệnh lây truyền qua tiêu hóa (thức ăn, nước uống…), qua hô hấp, vết thương hở ở da. Máy ấp nở, dụng cụ chăn nuôi nhiễm khuẩn, chất độn chuồng chứa chất bài tiết của vịt bệnh, vịt mang trùng.
Bệnh có thể xảy ra quanh năm và diễn biến rất nhanh, tỷ lệ mắc bệnh trong đàn là 100%, vịt chết tập trung chủ yếu 3 – 4 ngày và tỷ lệ chết thay đổi tùy theo độ tuổi.
Cơ chế gây bệnh viêm gan virus
Virus trong cơ thể vịt bệnh được thải ra ngoài qua phân; dịch bài xuất rồi nhiễm vào nguồn nước, bãi chăn thả, chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Sau đó, virus tiếp tục xâm nhập vào cơ thể vịt qua đường tiêu hóa, hô hấp. Nơi da bị tổn thương. Vào cơ thể vịt, virus theo máu đến các cơ quan phủ tạng. Đặc biệt là gan – cơ quan thích ứng nhất của virus. Quá trình bệnh lý được biểu hiện qua hai giai đoạn:
Ở giai đoạn đầu, virus gây rối loạn trao đổi chất ở gan. Do quá trình trao đổi mỡ ở gan. Đặc biệt là quá trình trao đổi cholesterol bị đình trệ làm cho lượng glycogen trong gan giảm thấp. Nhưng lượng lipid lại tăng cao. Vì vậy, vịt con ở thời kỳ cuối của bào thai thiếu năng lượng dẫn đến sức đề kháng giảm sút.
Giai đoạn thứ hai là lúc virus trực tiếp phá hoại tế bào gan, tế bào nội mô huyết quản. Nó gây ra xuất huyết đặc trưng. Virus sinh sản trong tế bào gan. Nhất là tế bào thuộc mạng lưới hệ võng mạc nội mô như tế bào Kuffer. Khi kiểm tra thấy tổ chức gan bị phá hoại, cơ thể không được giải độc làm con vật chết do ngộ độc.
Triệu chứng bệnh viêm gan virus
Thời gian nung bệnh 2 – 4 ngày, bệnh thường xảy ra đột ngột, lúc đầu chỉ thấy vài con sau đó bệnh xảy ra ồ ạt, vịt ít vận động, buồn ngủ, bỏ ăn, sã cánh, một số bị tiêu chảy, sau một vài giờ niêm mạc miệng xanh tím vịt bị co giật, nằm la liệt, nghiêng sườn hoặc nằm ngửa, chân duỗi thẳng, đầu ngoẹo sang sườn hoặc lên lưng (tư thế chết đặc trưng gọi là nghiêng). Vịt co giật chết nhanh có khi chỉ 2 – 3 giờ kể từ khi phát bệnh, một số trường hợp vịt chết mà không có triệu chứng rõ rệt.
Bệnh tích thường gặp
Bệnh tích tập trung chủ yếu ở gan. Gan thường bị sưng, nhũn, dễ bị nát khi ấn nhẹ. Một số trường hợp gan bị nhũn có hình thái như gelatin. Bề mặt loang lổ do có nhiều điểm xuất huyết, xuất huyết lan rộng không có ranh giới, kích thước và hình dạng to nhỏ khác nhau. Hiện tượng xuất huyết trên bề mặt gan không có ở tất cả vịt chết.
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán lâm sàng: Dựa vào các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng như vịt con dưới 3 tuần tuổi thường mắc viêm gan vịt nhất; Vịt chết do viêm gan tư thế nằm ngửa; Nốt hoạt tử trắng, xuất huyết bề mặt gan (đinh ghim, rìa gọn, li ti) tràn làn khắp bề mặt gan.
Chẩn đoán huyết thanh học: Sử dụng với mục đích chẩn độ virus, đánh giá mức độ miễn dịch của vịt sau khi sử dụng vaccine. Chẩn đoán phân biệt viêm gan vịt với các bệnh khác:
Bệnh dịch tả
Bệnh dịch tả vịt thường xảy ra ở mọi lứa tuổi với các triệu chứng điển hình như: Sưng đầu, sưng mắt, liệt chân, liệt cánh, tiêu chảy phân trắng, tốc độ vịt chết chậm hơn. Mổ khám thấy hiện tượng viêm loét xuất huyết đường ruột. Virus dịch tả rất mẫn cảm với chloroform, trong khi đó viêm gan vịt kháng chloroform.
Bệnh phó thương hàn
Vịt con thường có biểu hiện gầy, đi tiêu chảy phân trắng, gan có điểm hoại tử. Vịt đẻ bị viêm buồng trứng, trứng non teo, dị hình, vịt giảm đẻ, vỏ trứng mỏng dễ vỡ. Quan sát bệnh tích thấy chưa tiêu hết lòng đỏ ở vịt con, gan, lách, thận sưng, sung huyết, bệnh có thể chữa khỏi bằng kháng sinh.
Chứng nhiễm độc Aflatoxin
Không có hiện tượng lây lan trong đàn, vịt chết nhanh ở mọi lứa tuổi. Bệnh tích chủ yếu là xoang bụng và xoang bao tim tích nước, gan sưng có màu nhợt nhạt, thận và lách xuất huyết. Kiểm tra tổ chức học thấy tổ chức nhu mô gan và thận bị phá hủy nghiêm trọng.
Biện pháp phòng trị bệnh
Ðây là bệnh do virus gây ra nên không điều trị được bệnh, để làm giảm thiệt hại do bệnh gây ra có thể tiến hành một số biện pháp sau:
- Phát hiện bệnh sớm, can thiệp bằng cách tiêm huyết thanh miễn dịch hay kháng thể viêm gan vịt chế từ lòng đỏ trứng cho vịt.
- Thực hiện cách ly, tiêu độc và sát trùng chuồng trại (Bencocid, Navetkon-S), bổ sung Vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng, cung cấp glucose và các chất điện giải cho vịt.
- Trong quá trình nuôi, để phòng tránh bệnh, cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Kiểm soát nhập đàn, hạn chế nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào trại thông qua các phương tiện trung gian và thực hiện tốt vệ sinh và sát trùng chuồng trại. Thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc dụng cụ chăn nuôi, máng ăn, máng uống, chuồng trại và khu vực xung quanh. Tiêu độc, máy ấp, dụng cụ ấp, tiêu độc sát trùng trứng trước khi đưa vào ấp. Phát hiện sớm vịt bệnh, cách ly triệt để và xử lý. Chăn thả vịt ở môi trường không bị ô nhiễm. Ðảm bảo thức ăn và nước uống sạch. Hạn chế khách lạ ra vào khu vực của vịt con.