Trong chăn nuôi gia cầm nói chung và trong chăn nuôi gà nói riêng chúng ta thường gặp các bệnh cho gà, như: thủy đậu, cúm gia cầm, tiêu chảy … Ngoài những bệnh cơ bản nêu trên, gà chậm lớn còn là một vấn đề rất nan giải đối với bà con. Vì sẽ làm giảm hiệu quả chăn nuôi, tăng chi phí, tiêu tốn thức ăn, dịch bệnh còn có thể lây lan trong đàn. Vậy những lý do nào khiến gà bị còi cọc, chậm lớn? Chúng tôi xin chia sẻ với bạn đọc những nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng trên của gà trong bài viết dưới đây.
Trong một đàn gà cùng lứa tuổi, sau vài tháng chăn nuôi các bạn sẽ thấy có những con chậm lớn, xù lông, lông xơ xác, nhìn thiếu sức sống. Mới đầu chúng ta có thể nghĩ rằng những con đó bị bệnh và chúng sẽ bị nặng hơn, nhưng chúng cứ gầy như vậy và rất chậm lớn. Bệnh tưởng không nặng nhưng nếu số lượng nhiều sẽ làm giảm hiệu quả chăn nuôi.
Bệnh có thể lây lan trong đàn, tuy không phải ở mức độ quá nguy hiểm nhưng nó sẽ âm thầm lây bệnh trên diện rộng. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới gà bị còi cọc chậm lớn, như gà bị giun sán, gà mắc bệnh mãn tính, gà lười ăn, gà bị bệnh ecoli, hoặc gà bị còi cọc ngay từ khi mới nở….
Do giun sán
Gà có nhiều giun sán trong đường ruột sẽ dẫn tới gà còi cọc chậm lớn. Khi bị giun sán thì hệ tiêu hóa sẽ làm việc kém hơn, bao nhiêu chất dinh dưỡng của thức ăn đều bị giun sán hấp thụ hết, do vậy gà không thể lớn. Để khắc phục vấn đề này, người chăn nuôi phải thường xuyên tẩy giun sán cho gia cầm định kỳ.
Do quá trình ấp nở
Lý do tiếp theo có thể dẫn tới vấn đề này là quá trình ấp nở chưa tốt. Trong quá trình ấp trứng gà bằng máy ấp trứng hay lò ấp thủ công, nếu bị thiếu nhiệt hay quá nhiệt cũng làm gà con nở không đạt tiêu chuẩn, dẫn tới gà sẽ phát triển không bình thường trong suốt quá trình. Để khắc phục vấn đề này, các bạn điều chỉnh lại nhiệt độ ấp cho máy ấp, nếu mua con giống ở cơ sở thì cần chọn những con giống khỏe mạnh, to con, lông bông, mắt sáng, nhanh nhẹn…như vậy sẽ đảm bảo gà phát triển tốt.
Do gà mắc bệnh mãn tính
Gà bị mắc những bệnh mãn tính sẽ chậm lớn; cơ thể khó hấp thu chất dinh dưỡng dẫn tới còi cọc chậm lớn. Vấn đề này các bạn cần tìm hiểu thêm các triệu trứng khác. Để biết gà đang mắc bệnh gì mới có thể khắc phục triệt để.
Do gà mới khỏi bệnh
Gà bị mắc bệnh sau một thời gian và được chữa khỏi. Tuy nhiên thì không phải cứ khỏi bệnh là gà đã phát triển bình thường. Nhiều trường hợp sau bệnh gà sẽ chậm lớn và trở nên còi cọc. Cách khắc phục tốt nhất vấn đề này là tách chúng ra nuôi riêng, nếu vẫn chậm lớn thì sớm loại bỏ.
Mật độ nuôi quá lớn
Khi mật độ nuôi lớn sẽ dẫn tới gà không có không gian để chơi và phát triển bình thường. Dần dần xuất hiện những con kém ăn hoặc không tranh được với những con khác. Biện pháp khắc phục là nuôi mật độ vừa phải. Máng ăn nên bố trí rải rác để con nào cũng được ăn thoải mái. Như vậy gà mới phát triển bình thường.
Cách điều trị
Bệnh do virus gây ra nên không có thuốc đặc trị. Nhưng người nuôi cần phải chú trọng đến thành phần dinh dưỡng. Để nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể gà nuôi. Nhằm hạn chế sự gia tăng tỷ lệ còi cọc, cần phải thường xuyên bổ sung các loại vitamin. Kết hợp bổ gan, thận, sorbitol và men tiêu hóa…
Phòng bệnh
Do có một số chủng Reovirus gây sụt trứng ở gà đẻ. Nên để phòng bệnh còi cọc ở gà con các nhà nghiên cứu chế tạo các vaccine chứa nhiều chủng Reovirus. Nhằm phòng hội chứng còi cọc và giảm đẻ cùng một lúc với cùng một loại vaccine như:
- Avian Reovirus – vaccine vô hoạt của Pháp tiêm dưới da 0,5 ml/con;
- Inacti/ Vac Reo – vaccine vô hoạt của Pháp chứa 2 chủng S1133 chống viêm khớp và 1733 chống còi cọc. (Lần 1: Tiêm dưới da cho gà lúc 4 tuần tuổi; Lần 2: Trước khi vào đẻ 16 – 20 tuần tuổi).
- TAD.Reo Vac.I – chủng U con 1133 tiêm dưới da hoặc tiêm bắp cho gà 7 – 10 ngày tuổi lần 1 và nhắc lại lúc 4 tuần tuổi.
Trên đây là một vài ý kiến giúp người chăn nuôi hiểu rõ hơn những vấn đề dẫn tới gà còi cọc chậm lớn, chúng ta sớm khắc phục hoặc có biện pháp phòng tránh ngay từ đầu sẽ đảm bảo chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn. Chúc các bạn chăn nuôi thành công.