Việc sử dụng kháng sinh phòng và chữa bệnh cho gia cầm không đúng cách không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh mà còn khiến vi khuẩn kháng thuốc. Đặc biệt là tồn dư kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của gia cầm và của người tiêu dùng. Việc lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh không cần thiết đã làm phát sinh các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh, gây khó khăn và tốn kém cho việc điều trị. Để hiểu rõ hơn về việc sử dụng kháng sinh mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Khi nào sử dụng kháng sinh?
- Người nuôi cần phải chẩn đoán đúng bệnh để dùng thuốc. Nếu dùng thuốc không dựa trên cơ sở kết quả chẩn đoán sẽ không chữa khỏi bệnh, mà còn làm cho việc chẩn đoán bệnh về sau gặp khó khăn.
- Mỗi nhóm kháng sinh chỉ tác động lên một nhóm vi khuẩn nhất định và hầu hết không có hiệu quả với tác nhân gây bệnh khác như: Virus, ký sinh trùng, nấm…
- Việc sử dụng kháng sinh khi không nhiễm trùng vừa thất bại trong điều trị, tốn chi phí, vừa có thể mang lại tác hại cho đối tượng sử dụng kháng sinh. Về mặt sinh học việc dùng kháng sinh bừa bãi gây tăng thêm các chủng kháng thuốc.
Lựa chọn đúng loại kháng sinh

Chọn loại kháng sinh có tác dụng tốt nhất đối với mầm bệnh đã xác định. Dùng liều cao ngay từ đầu, những lần sau đó có thể giảm liều lượng. Ðường sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tính khẩn cấp trong trị liệu, vị trí nhiễm khuẩn, đặc tính hấp thu kháng sinh.
Các đường đưa thuốc chủ yếu gồm:
- Ðường uống.
- Ðường tiêm tĩnh mạch: Dùng trong các trường hợp nhiễm trùng nặng hay nhiễm trùng ở vị trí đặc biệt: Màng não, tim mạch, xương… hay khi đường uống không thể thực hiện.
- Tiêm bắp, tiêm dưới da.
- Dùng kháng sinh tại chỗ: Chủ yếu dùng trong điều trị nhiễm trùng ở mắt, tai, da và âm đạo. Các kháng sinh như nhóm Macrolid, Lincosamid, Colistin.
- Dạng khí dung.
Cách sử dụng kháng sinh
Liều lượng sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào các yếu tố:
- Mức nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh đối với kháng sinh
- Tính chất dược động học của kháng sinh
- Vị trí của ổ nhiễm trùng
- Cơ địa gia súc, gia cầm
- Sử dụng phối hợp kháng sinh
- Thời gian sử dụng kháng sinh: Sử dụng đúng liệu trình với từng kháng sinh. Không nên vội vàng thay kháng sinh mà phải chờ một thời gian. Để phát huy tác dụng của kháng sinh.
Nguyên tắc trong phối hợp kháng sinh

- Khi sử dụng kháng sinh, phải dùng phối hợp nhiều loại kháng sinh. Để làm giảm liều lượng và độc tính của từng loại. Đồng thời cũng làm phổ tác động đến vi khuẩn rộng hơn, tăng tác dụng điều trị và hạn chế hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc.
- Khi phối hợp thuốc, cần chọn những thuốc có tác dụng tăng cường lẫn nhau (tác dụng hợp đồng); các thuốc cộng hợp, tránh phối hợp các thuốc đối kháng (về hoạt tính hóa học cũng như tác dụng điều trị).
- Nắm chắc tác dụng cộng dồn; tác dụng hiệp đồng hoặc tác dụng đối kháng.
- Không bao giờ sử dụng phối hợp một loại kháng sinh diệt khuẩn với một loại kháng sinh kìm khuẩn.
Những điều cần chú ý
Trong quá trình sử dụng kháng sinh, phải tăng cường sức đề kháng của cơ thể như nuôi dưỡng tốt, dùng thêm vitamin, tiêm nước sinh lý, phối hợp thuốc giảm đau, giảm sốt và an thần (trấn tĩnh) và thuốc chống viêm khi cần thiết để làm giảm tác động gây stress của quá trình bệnh lý.
- Không nên tự ý phối hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ thú y. Giữa các loại kháng sinh khác nhau có thể gây tác dụng cản trở, từ đó làm giảm tác dụng điều trị, thậm chí là phản tác dụng. Nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con vật.
- Nên dùng kháng sinh kết hợp với thuốc trợ sức, trợ lực (B.complex, vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa…), Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để con vật nhanh khỏi.
- Không sử dụng các loại thuốc cấm, hóoc-môn tăng trọng trong chăn nuôi. Nhất là đối với vật nuôi giết thịt.
- Không nên dùng thuốc kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi một cách tràn lan, tùy tiện.
- Ngừng sử dụng thuốc trước khi giết mổ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; tránh gây hiện tượng tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi.