Nuôi gà cũng như nuôi lợn, việc vệ sinh chuồng trại cần được quan tâm hàng đầu để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của vật nuôi và nhân viên trong trang trại. Mục đích chính của việc vệ sinh chuồng gà là ngăn ngừa tất cả các bệnh do vi trùng, vi rút, ký sinh trùng gây ra làm gà ốm, chết hàng loạt, tốn thuốc men và công lao động. Vì vậy, các trại gà cần có kế hoạch vệ sinh hàng ngày, hàng tháng. Dưới đây là quy trình chi tiết về cách vệ sinh chuồng gà, cụ thể là chuồng gà đông tảo.
Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng chuồng gà
Nắm bắt rõ nguyên tắc, sát trùng, quy trình vệ sinh cho chuồng gà và dụng cụ chăn nuôi là việc làm đầu tiên nếu bạn muốn khống chế dịch bệnh, giúp tăng năng suất và hiệu quả trong chăn nuôi gà đông tảo.
Nguyên tắc vệ sinh, sát trùng chuồng trại chăn nuôi gà đông tảo:
- Bạn phải luôn đảm bảo dọn sạch sẽ phân và các chất bẩn trong chuồng nuôi gà đông tảo, để loại bỏ các vi sinh vật gây bệnh có trong phân như vi khuẩn Salmonella.
- Sau khi đã làm sạch bề mặt chuồng, cần dùng thuốc để sát trùng,giúp chuồng trại được sạch sẽ.
- Cuối cùng là làm khô hoàn toàn chuồng trại trước khi thả gà vào, bởi vi khuẩn gây bệnh không thể sống và phát triển trong môi trường khô.
Quy trình chi tiết quá trình vệ sinh, khử trùng chuồng gà
Quy trình làm sạch
- Bước 1 – Làm sạch chất bẩn trước khi rửa: Hầu hết thuốc sát trùng không thể diệt khuẩn nếu dụng cụ không được sạch sẽ. Đất, trấu, rơm, máu,sữa, phân làm mất tác dụng của thuốc sát trùng. Vì vậy, trước khi sát trùng bạn cần dùng xẻng, chổi hoặc các dụng cụ để làm sạch các chất bẩn bám trên nền của chuồng, tường và trên bề mặt các dụng cụ chăn nuôi khác…
- Bước 2 – Rửa sạch chất bẩn bằng nước: Sau khi đã làm sạch các vết bẩn bằng cơ học. Bạn hãy rửa sạch chúng bằng nước. Nếu vết bẩn bám lâu ngày, bạn hãy ngâm nước từ 1 – 3 ngày trước khi rửa,. Có thể dùng vòi xịt áp suất cao bằng hơi để rửa những chỗ khó rửa.
Các bước tẩy trùng
- Bước 3 – Tẩy bằng xà phòng, nước vôi hoặc thuốc tẩy các vết bẩn. Bạn dùng nước xà phòng, thuốc tẩy rửa hoặc nước vôi 30% để phun, dội rửa nền; hoặc ngâm các dụng cụ chăn nuôi cho sạch.
- Bước 4 – Sát trùng bằng thuốc sát trùng: Bạn dùng thuốc sát trùng liều lượng thích hợp. Nhớ kiểm tra độ pH của nguồn nước trước khi pha loãng. Tránh dùng nước cứng để pha thuốc sát trùng sẽ làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc. Chỉ nên dùng nước có nhiệt độ vừa phải để pha loãng thuốc. Khi bạn tiến hành phun thuốc sát trùng. Bạn nhớ mặc quần áo, đeo gang tay, khẩu trang bảo hộ vào.
- Bước 5 – Để khô: Khi đã khử trùng bằng thuốc xong. Bạn phải để khô dụng cụ và trang thiết bị 1-2 ngày trước khi cho gà đông tảo vào
Cách vệ sinh chuồng trại hàng ngày
Mỗi sáng, nên mở tất cả cánh của chuồng trại để đón ánh nắng ban mai rọi vào khắp chuồng giúp không khí trong chuồng được ấm áp. Và nhờ đó tiêu diệt được các loại vi trùng, ký sinh trùng ẩn náu trong các góc kẹt của chuồng gà, dưới lớp lông vũ của gà. (Trừ trường hợp sáng đó trời mưa hoặc chuyển mưa).
Vệ sinh máng ăn, máng uống cho gà. Các loại máng đựng thức ăn, nước uống cho gà là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy cần phải được cọ rửa hàng ngày và được khử trùng thường xuyên.